NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ SA THẢI
Trong các hình thức kỷ luật lao động, sa thải là hình thức kỷ luật lao động cao nhất. Do đó, các chế tài quy định về hình thức sa thải trong Bộ luật lao động 2019 quy định riêng về chế tài áp dụng đối với hình thức kỷ luật sa thải. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến những điểm cần lưu ý khí áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Hình thức kỷ luật sa thải?
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ lỗi của hành vi vi phạm, người lao động có thể bị áp dụng một trong ba hình thức xử lý kỷ luật lao động sau:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
-Cách chức.
- Sa thải.
Trong đó, sa thải là hình thức kỷ luật nặng nhất được áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm ở mức độ lỗi nặng, dẫn đến người sử dụng lao động thấy rằng không thể tiếp tục sử dụng người lao động và họ có quyền loại người lao động ra khỏi đơn vị bằng cách chấm dứt hợp đồng lao động.
Các trường hợp áp dụng xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định;
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Những trợ cấp người lao động bị sa thải được hưởng?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động chấm dứt khi bị xử lý kỷ luật sa thải không thuộc trường hợp được chi trả trợ cấp thôi việc.Do đó, người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thôi việc.
- Tương tự, theo khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, chỉ người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu công nghệ, lý do kinh tế hoặc chia tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp mới được hưởng trợ cấp mất việc làm.Vì vậy, người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp mất việc làm.
- Căn cứ theo quy định Điều 49 Luật việc làm 2013 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc việc trái pháp luật mới không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Vì vậy, người lao động bị sa thải vẫn có thể nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, để hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động cần đáp ứng điều kiện: Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; Đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN ( trừ một số trường hợp theo khoản 4 Điều 49 Luật việc làm 2013 ).
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
- Hotline: 035.401.2914
- Email: [email protected]
- Địa chỉ: F1/1Q, đường số 1, KDC Đồng Danh, X. Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh